Thursday 1 October 2015

14 năm kết hôn, nhà tâm lý không nhận ra chồng đồng tính

14 năm kết hôn, nhà tâm lý không nhận ra chồng đồng tính

Sau ly hôn, tôi thấy mình khủng hoảng và xấu hổ ê chề, làm sao tôi có thể kết hôn với người đồng tính cơ chứ?
 
Ly hôn luôn là điều khó khăn để vượt qua kể cả với những cặp đôi nỗ lực ly hôn trong hòa bình. Khi ly hôn người mình đã yêu từ thời trung học và chung sống suốt 14 năm, tôi cảm thấy như cuộc sống của mình đã chấm hết. Thời điểm đó, tôi vừa phải hoàn thành việc học, vừa phải nuôi hai đứa con nhỏ và quan trọng hơn, chồng cũ của tôi hóa ra là người đồng tính.
Ban đầu, đây thực sự là khoảng thời gian khủng hoảng và xấu hổ ê chề với tôi. Làm sao tôi có thể kết hôn với người đồng tính? Tôi là một người phụ nữ thông minh – tôi đang theo học chương trình y tâm lí lâm sàng - nên không thể có chuyện bỏ qua những dấu hiệu về một người mà mình đã quen biết gần hết cuộc đời đang che giấu bí mật động trời. 
gdinh-JPG-2282-1443666175.jpg
Gia đình nữ tiến sĩ Becca Ballinger - nhà tâm lý, chuyên gia về nuôi dạy trẻ em người Mỹ - người vừa trải qua cuộc ly hôn với người chồng đồng tính. Chị chụp ảnh cùng hai con, người chồng cũ và bạn trai của anh. Ảnh: huffingtonpost.
Khi một người cảm thấy không thể chia sẻ về con người thực sự của mình, họ sẽ tìm mọi cách che giấu. Trong trường hợp của tôi, anh ấy đã rất nỗ lực để đóng vai một người chồng bình thường như bao người khác – có một sự nghiệp tốt, một ngôi nhà ở ngoại ô và một đời sống xã hội phong phú. Tuy nhiên, dần dần, anh ấy bị vỡ mộng với thực tế và đi đến quyết định thay đổi cuộc đời là ly dị với tôi.
Có rất nhiều lời khuyên giúp bạn vượt qua khủng hoảng khi ly hôn, nhưng không hề có cuốn sách nào dạy bạn vừa nuôi dạy con vừa đối mặt với thực tế chồng cũ không phải là đàn ông thật sự. Và tôi đã phải chèo lái gia đình mình vượt qua quãng thời gian khó khăn này. Từ đó, tôi đã học được những bài học vô cùng quý giá giúp đối mặt với bất kỳ tình huống khó khăn nào trong cuộc sống.
1. Bạn không phải âm thầm chịu đựng nỗi đau
Lúc mới chia tay chồng cũ, tôi không thể hiểu được nguyên nhân khiến chúng tôi tan vỡ. Khi mọi người hỏi về nó, tôi chỉ trả lời rằng mình không muốn đề cập đến vấn đề này. Tôi cho rằng mọi người không thể hiểu được vì chưa ai trả qua hoàn cảnh này. Tuy nhiên, tôi dần trở nên cởi mở hơn với người tôi tin tưởng và thật tuyệt vì tôi đã làm thế. Mọi người cũng chia sẻ với tôi những câu chuyện tương tự. Việc gặp gỡ những bà mẹ khác khiến tôi cảm thấy chuyện của mình không phải là bất thường nữa.
Tôi cảm thấy mình không lẻ loi, tôi tìm thấy mình trong câu chuyện của họ, đồng thời học được từ sai lầm cũng như thành công của họ. Điều này giúp tôi vượt qua cảm giác mình là nạn nhân và hành động vì cuộc sống của chính mình và các con.  
2. Tự đặt ra giới hạn cho bản thân để vượt qua nỗi đau
Phản ứng của mọi người trước sự việc này có thể chia thành hai cách: họ cảm thấy tiếc nuối cho tôi hoặc họ phản đối kịch liệt người đồng tính. Cả hai điều này đều không phải đều tôi mong muốn.
Tôi quyết định không để mọi người can thiệp quá sâu và đặt ra giới hạn cho bản thân để vượt qua. Khi mọi người nhắc đến vấn đề này, tôi sẽ đổi chủ đề sang chuyện học của bọn trẻ, hoặc chúng tôi đã có khoảng thời gian vui vẻ bên chồng cũ với bạn trai của anh ấy thế nào.
Tôi tôn trọng ý kiến của người khác về những vấn đề xã hội nhưng tôi cố gắng tập trung vào thực tế là gia đình tôi vẫn rất hạnh phúc. Đây thực sự là một cái kết có hậu cho gia đình chúng tôi và tôi không muốn làm mất đi điều đó bằng những lời đàm tiếu của thiên hạ.  
3. Khác biệt có thể khiến bạn cảm thấy cô đơn và xấu hổ nhưng mọi người sẽ ngưỡng mộ sự tự tin và muốn được trở thành như bạn
Tôi nhớ mình đã xấu hổ như thế nào khi tham dự một sự kiện gia đình mà không có chồng. Tôi trở về nhà và khóc rồi hoàn toàn xa lánh những hoạt động cộng đồng khác, để không phải chứng kiến cảnh gia đình họ vui vẻ bên nhau. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng điều này không tốt cho các con và tôi lại tham gia vào những sự kiện này. Tôi nhận ra rằng kết cấu của gia đình – bố, mẹ, con - không quyết định hạnh phúc của một gia đình, mà chính là sự tương tác và kết nối giữa cha mẹ và con cái.
Tôi cảm thấy mình khá thành công trong việc củng cố hạnh phúc của gia đình mình. Mọi người thường xuyên nhìn thấy những hình ảnh hạnh phúc của các thành viên bên nhau gồm con cái, tôi, chồng cũ và bạn trai anh ấy trên mạng xã hội. Mọi người hỏi tôi bí quyết và tôi nói rằng nên lắng nghe trái tim mình và đừng lo lắng về việc khác biệt với những gia đình xung quanh. Miễn là bạn thực sự sống hết mình và trân trọng đam mê, giá trị và đức tin của từng cá nhân, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc.
Ba bài học trên có thể được áp dụng với mọi hoàn cảnh trong cuộc sống. Là một nhà tâm lý học, tôi nhận ra rằng mọi khó khăn chúng ta trải qua sẽ trở nên tệ hơn nếu chúng ta chỉ bận tâm đến suy nghĩ của người khác hoặc thiếu tự tin vào bản thân trong việc giải quyết vấn đề. Là một người mẹ trải qua một cuộc ly hôn đặc biệt, tôi muốn đưa ra lời khuyên rằng: Đừng cố gắng làm hài lòng người khác mà hãy sống cho chính mình.
Hương Giang (theo huffingtonpost)